Hôm trước tôi có chia sẻ cuộc sống của tôi hiện tại. Một cuộc sống giản dị và phù hợp với con người của tôi giai đoạn này.
Tuy vậy, đây có thể có thể là lối sống chán ngắt, nhạt nhẽo với nhiều người. Không vấn đề gì hết. Tới độ tuổi này, khi đã gần 40 và không còn trẻ trung gì nữa, tôi thấy lựa chọn sống thế nào hoàn toàn là quyền lựa chọn của mỗi người.
Với mỗi cá nhân, phù hợp mới là thứ quyết định sự lựa chọn, không phải đúng sai. Chọn gì hoàn toàn là quyền quyết định ở bạn, chỉ cần nhớ rõ được mất đi kèm với lựa chọn.
Lựa chọn nào cũng có cái giá của nó & luôn có file đính kèm. Cách tốt nhất là biết rõ cái giá phải trả đi kèm với lựa chọn của mình, rồi tự hỏi bản thân, thật trung thực, có chấp nhận cái giá phải trả hay không.
Tôi đang sống là một cuộc sống bình dị. Tuy vậy, bình dị vẫn có cái giá của nó. Tôi sẽ kể ba câu chuyện về cái giá mà tôi phải trả. Tôi dám chắc bạn sẽ thấy cuộc sống của tôi không còn màu hồng như bạn nghĩ nữa.
Chuyện thứ nhất: tiền nong
Tôi không còn đi làm thuê, mà xây dựng doanh nghiệp từ hai bàn tay trắng (thật ra là với một khoản nợ).
Điều này đồng nghĩa với việc tôi không được trả lương hàng tháng, mà phải tự mình xoay sở.
Bắt đầu từ tháng 9/2024, với dự án bán sách. Tôi cùng một đồng đội phụ trách xây dựng hệ thống công nghệ cho dự án và cho team.
Suốt bốn tháng xây dựng, chưa có nguồn thu, tôi luôn trong trạng thái phải xoay tiền.
Có lần bố nhập viện cấp cứu, trong túi gần cạn tiền, không còn cách nào khác tôi chuẩn bị mở miệng đi vay tiền thì rất may tiền từ dự án nhỏ tôi làm cầm cự về kịp lúc.
Có lúc bạn bè mời đám cưới, đến ngày cưới mà không gửi được thiệp mừng cưới, vì trong túi lúc đó chỉ còn vài trăm ngàn cho gia đình bốn người cho vài ngày tới. Những lần như vậy tôi hổ thẹn lắm, tự dặn lòng khi nào qua cơn bỉ cực, có dịp sẽ tạ lỗi với bạn bè sau. Chứ lúc đó, thật không còn cách nào khác.
Có lúc sáng mở mắt ra, vét hết các túi, xem hết các tài khoản ngân hàng còn được mấy chục ngàn. Lúc đó không còn đủ tiền mặt đi chợ, phải đi siêu thị mua đồ để quẹt thẻ tín dụng.
Mấy tháng liền, tôi luôn ở trong tình trạng tuần tới xoay tiền ở đâu để có chi phí sinh hoạt. Bù đầu này, đắp đầu kia.
Nhìn bên ngoài tôi giống như con vịt đang thảnh thơi lướt qua lướt lại trên mặt hồ. Dưới mặt hồ, hai chân vịt đạp nước liên tục để tiến tới.
Đó là cái giá đầu tiên tôi phải trả cho một lối sống bình dị. Để có quyền sắp xếp một lối sống theo ý mình, ngày hai buổi sáng chiều không phải chen chúc trên đường khói bụi kẹt xe, thay vào đó là chạy bộ và bơi lội, tôi phải chấp nhận chuyện không có ai trả lương cho mình. Mình phải là người tự lo cho mình, và cho những người ở phía sau mình.
Đi qua giai đoạn đó, tôi mới nói vui tôi không còn sợ cái nghèo nữa. Khi đã đối mặt với những thời điểm căng thẳng như vậy mà bạn không bị lung lay, không bị thối chí, không bị áp lực làm cho hoảng loạn, không muốn bỏ chạy, không quay đầu, thì bạn còn ngại gì gió sương nữa?
Phải qua thử thách như vậy, tôi mới xác nhận sự quyết tâm và cam kết với lựa chọn của mình. Tôi mới tin là "à, lần này thì mình chơi thật và chơi tới cùng rồi".
Bây giờ tôi đã tạm thời đi qua giai đoạn khó khăn đó. Công ty đã có dòng tiền hàng tháng đủ trả lương ba nhân sự trong sáu tháng tới. Tôi có sáu tháng tạm thoát khỏi trạng thái sinh tồn, để dồn lực phục vụ khách hàng đang có và tập trung xây hệ thống cho doanh nghiệp. Nếu được như dự tính, tới lúc đó anh em chúng tôi sẽ có con đường rộng mở trải ra trước mắt.
Bạn có thấy cuộc sống của tôi bớt hấp dẫn chưa? Bạn còn ước ao nữa không?
Mà đó mới chỉ là chuyện tiền nong.
Chuyện thứ hai: áp lực người dẫn đường
Lần dong buồm ra khơi này do tôi bày ra. Tôi mời anh em cùng lên thuyền. Hiển nhiên tôi là người chịu trách nhiệm lèo lái con thuyền.
Thuyền có đi được đến đảo giấu vàng, hay va vào đá ngầm, xoáy nước, lạc hướng rồi chìm xuồng, là trách nhiệm ở tôi.
Thuyền của mình là loại độc mộc, mà trước mắt là đại dương bao la. Đảo giấu vàng là một hình dung mơ hồ trong tâm trí. Nhìn đâu cũng thấy việc cần làm, sức người thì có hạn. Mỗi ngày, mỗi tuần trôi qua câu hỏi con thuyền này có đang đi đúng hướng không luôn ám ảnh trong tâm trí. Ngọn hải đăng tiếp theo (mục tiêu quan trọng) mà tuần tới con thuyền này cần đến là cái nào, khi khắp bốn phương tám hướng ngọn hải đăng nào cũng có vẻ là quan trọng?
Lương thực của con thuyền này rất ít. Nếu không xác định đúng ngọn hải đăng tiếp theo, cái giá phải trả là thủy thủ bị đói. Theo đúng nghĩa đen.
Xác định được ngọn hải đăng kế tiếp, tiếp theo là phân chia công việc cho từng thủy thủ. Người ít, việc nhiều, mà thời gian thì sơ hở cái là cuối tuần, nên chọn đúng việc, giao cho đúng người là thứ luôn quẩn quanh trong đầu tôi.
Nghĩ việc cho người khác làm không vui như nhìn bên ngoài đâu. Những ngày tụt năng lượng, tôi chỉ ước có ai chỉ cho tôi làm gì, và tôi chỉ việc làm theo. Tôi không cần quan tâm và chịu trách nhiệm việc đó có đúng hay không, tôi chỉ cần quan tâm hoàn thành tốt công việc mình. Kết quả và trách nhiệm đã có người khác lo. Thật nhẹ nhõm làm sao.
Ở chỗ này, chuyện tiền bạc quay lại.
Nếu tôi quyết định sai, dẫn đến không đủ/không có doanh thu, phía sau không chỉ có gia đình tôi, mà còn là gia đình của hai người đi cùng tôi chịu ảnh hưởng.
Nghe có vui và chill không anh chị?
Anh chị còn thấy hứng thú lối sống sáng 7h chạy bộ, chiều 5h đi bơi, tối 10h đọc sách của tôi không?
Anh chị có lờ mờ đoán ra được vì sao tôi lại làm những việc đó đều đặn không?
Chuyện thứ 3: không còn chuyện thích hay không thích, mà là cần làm hay không
Tôi xác định rõ ràng ngay từ đầu là xây dựng doanh nghiệp. Không freelancer. Không solopreneur. Những cách không phù hợp để tôi đạt được mục tiêu.
Vậy cho nên, vai trò của tôi chuyển từ một người làm chuyên môn sang vai trò của một người xây dựng doanh nghiệp.
Không ai sinh con ra là có đầy đủ kỹ năng & kiến thức đúng đắn để nuôi con. Mà đó là quá trình học, hành, sửa sai cải tiến liên tục.
Tôi nghĩ chuyện xây doanh nghiệp có lẽ cũng giống như làm cha mẹ. Không ai ngay lần đầu mà có đủ kiến thức & kỹ năng để làm. Đây là một hành trình dài, điều mà hành giả cần trang bị nhất, theo tôi đó là sẵn lòng học hỏi và vun bồi những kỹ năng mà doanh nghiệp cần, chứ không phải chỉ làm những thứ mình thích.
Tôi thích nghiên cứu, và tự tay xây dựng các quy trình & tự động hóa. Trong việc này, tôi tự tin là mình rất có khả năng. Nó là thứ định vị tôi trên thị trường lao động.
Tôi sẵn sàng bỏ ra cả ngày trời lần mò cho bằng được lỗi ở chỗ nào, lục tung hết tài liệu hãng, hỏi cho ra lẽ CS của hãng, để làm cho tính năng tôi muốn chạy được NGAY.
Đó là máu của một người làm chuyên môn. Máu của một người làm công việc sáng tạo. Máu của một người xây dựng.
Nhưng doanh nghiệp thì cần nhiều thứ khác. Pháp lý, mô hình kinh doanh, kế toán, tài chính, thuế, BHXH, công nợ, huấn luyện & đào tạo đội ngũ, lộ trình phát triển, thiết lập văn hóa, xây dựng thói quen, khám phá & làm sáng rõ con đường để đội ngũ tin tưởng vững tay chèo, quản lý công việc, quản lý tiến độ, làm truyền thông, thu hút khách hàng, chốt deal, phục vụ khách hàng, quản lý doanh thu - chi phí - lợi nhuận, làm chỗ dựa cho anh em khi cần, răn đe doạ nạt nếu buộc phải.
Hỏi là tôi thích hết những thứ đó không thì rõ ràng là không.
Có những thứ tôi đã chuẩn bị và đảm đương được, như những thứ liên quan về nhân sự.
Những thứ còn lại, dù có thích hay không, tôi sẽ học, tìm hiểu, tìm người.
Lúc nãy tôi có nói khi lựa chọn một thứ, phải ý thức rất rõ cái giá phải trả & file đính kèm.
Cái giá phải trả khi lựa chọn một cuộc sống được toàn quyền quyết định làm cái gì, làm khi nào, làm với ai, làm như thế nào là.. tự làm và tự chịu trách nhiệm.
Nếu tự xây dựng doanh nghiệp, cho dù đang còn nhỏ xíu với ba nhân sự & doanh thu vài ba chục triệu/tháng, file đính kèm là một danh sách các công việc mà vai trò chủ doanh nghiệp cần phải để mắt tới. Không có chuyện thích hay không thích.
Nếu một người chọn xây dựng doanh nghiệp mà chối bỏ những file đính kèm, tôi nghĩ người đó đã chọn sai vai trò và chọn sai cuộc chơi.
Đặt mình vào vị trí không phù hợp là khởi nguồn của đau khổ và thất bại.
Anh chị thấy file đính kèm theo lựa chọn của tôi có sướng không?
Có ai vẫn còn thấy cuộc sống của tôi là đáng mơ ước nữa không?
KẾT
Bài đã quá dài, nên tôi chỉ viết thêm ba câu ngắn gọn.
- Sự lựa chọn nào cũng có cái giá của nó.
- Càng được như ý mình, cái giá phải trả càng đắt.
- Nhìn vào hành trình của một người, đừng chỉ nhìn vào kết quả họ đang có.
Caption cho tấm ảnh: đạp xe đường dài thì vui và rất đáng nhớ, một trải nghiệm xứng đáng có trong đời. Cái giá phải trả: nhan sắc tạm thời tàn phai, nhiều lúc nghĩ mình khùng hay đang bị trời đày mà đi làm cái trò này.
Nguồn: Chinh Dang