Digital marketing 2023, hoàn hồn nhìn lại

Là người tự tay set từng quảng cáo từ 2014 đến nay trên nhiều ngành nghề khác nhau, từ bán lẻ, f&b cho đến dịch vụ, b2b,... nhìn lại mình bị sốc vì thị trường digital thay đổi nhanh kinh khủng.

Mình còn nhớ rất rõ những năm đầu làm nghề chỉ cần biết set ads hoặc biết SEO là win (win tức là bán đắt hàng, có lãi). Lúc đó mình chẳng hiểu gì về marketing hay kinh doanh, nhưng cứ set ads cho khách nào là khách đó bán chạy bất kể sản phẩm là gì.

Một thời gian sau cạnh tranh hơn, từng sản phẩm phải làm nội dung hay mới thắng. Test nhiều content mới chọn ra được content win. Nghề content lên ngôi, đi đâu cũng nghe "content is king".

*

Tầm 2019 trở đi thì nhà nhà chạy ads, người người bán hàng online. Trên mạng cái gì cũng có, người mua bắt đầu so sánh giá, mà nhất là có 1 làn sóng lớn khách hàng dịch chuyển sang TMĐT.

Lúc này content hay chưa đủ, người bán hàng online muốn win thì phải có nguồn hàng giá tốt, hoặc mò được nguồn độc-lạ-mới trên thị trường (nhưng bán 1 hồi sẽ bị đối thủ copy cực nhanh), hoặc phải có những điểm mạnh riêng.

Người ta nhắc đi nhắc lại cụm "đổi nhà, đổi xe" để chỉ đến việc đánh nhanh thắng nhanh, một đợt nhập hàng vít ads win có thể lãi hàng trăm triệu đến vài tỷ (hoặc hơn tùy khả năng vận hành). Nhưng những cơ hội như vậy rất chớp nhoáng, đôi khi kết thúc chỉ trong vài tuần.

Các doanh nghiệp lớn, các brand thì bắt đầu nói nhiều về thuật ngữ "performance marketing", tức là chạy ads phải tối ưu, phải testing, phải chọn lọc các ngóc ngách có hiệu quả chứ không còn chạy bừa, chạy mass phủ thị trường như trước nữa.

Sân chơi digital marketing giai đoạn này thách thức nhưng cực vui & sôi động với các chuyên gia. Mỗi người làm digital / bán hàng online sẽ phát triển theo 1 hướng khác nhau, sở hữu lợi thế cạnh tranh & bí mật nghề nghiệp riêng.

Có người mạnh về free traffic, có người mạnh xây cộng đồng, có người mạnh tut trick, có người mạnh automation, hoặc có những người win bằng hợp tác lớn... Vô số khái niệm mới được sản sinh ra tạo nên nhiều màu sắc cho toàn thị trường digital, đồng thời làm choáng ngợp những người mới vào ngành.

Có lẽ đây là giai đoạn đỉnh điểm mà nhìn đâu cũng thấy đồng nghiệp của mình là triệu phú. Không chỉ ads mà crypto, chứng khoán, bất động sản,... cũng đều vọt đỉnh.

*

Đang rầm rộ sôi sục, đùng một cái giữa 2022 toàn bộ nền kinh tế quay xe, sụp đổ bất ngờ trên mọi mặt trận khiến nhiều người không trở tay kịp (trong đó có mình).

Nếu là đi làm thuê, được trả lương đều thì tại thời điểm này chắc không cảm nhận rõ lắm. Nhưng người làm digital marketing / bán hàng online thì như những ngọn cây gãy răng rắc giai đoạn trước cơn bão khủng hoảng 2021-2022.

Xăng tăng, chi phí tăng, doanh số online sụt giảm trên tất cả các kênh. Thời điểm doanh số lớn vui bao nhiêu thì lúc bão nặng nề bấy nhiêu. Doanh số giảm thì từng mét vuông kho, từng đầu lương, từng sản phẩm tồn kho đều biến thành một cơn ác mộng.

Theo lý thuyết là cut loss (cắt lỗ) nhưng không phải nói cắt là cắt ngay được. Ai khuân vác thanh lý giùm từng kiện hàng tồn kho, ai nói chia tay và làm thay việc của nhân sự đã nghỉ, ai đoán được lỗ do thị trường hay do mình làm marketing chưa đúng cần sửa sai?...

Đến cuối 2022 - đầu 2023 thì cái gốc của thị trường cũng bắt đầu bật theo. Tức là số bán offline tại cửa hàng, MT, GT, siêu thị, tất cả các kênh truyền thống,... của gần như mọi ngành nghề cũng bắt đầu tuộc dốc.

Các doanh nghiệp bị sốc liên tục sa thải người, ngừng chi tiêu, như một dây chuyền domino đè lên toàn bộ nền kinh tế. Lúc này đừng hỏi những người làm chủ doanh thu bao nhiêu, mà hãy hỏi họ đang trả lãi vay như thế nào.

*

Nay, 2023.

Chuyện gì đang xảy ra với digital marketing và nên làm gì giữa khủng hoảng?

Hiện mình vẫn duy trì chạy quảng cáo cho một vài ngành hàng và điều cảm nhận được rõ ràng nhất đó là 1 cảm giác bất lực - bất lực nhất trong suốt gần 10 năm làm nghề của mình.

Chạy ads (theo cách như thông thường) tại thời điểm hiện tại để bán cho được hàng mà có lời thì khá giống như đấm vào tường: không có gì xảy ra cả. Nền kinh tế như một bức tường nằm im bất động.

Nhiều người trước giờ chỉ bán hàng qua các kênh truyền thống, giờ vơi đi chén cơm mới nghĩ tới bán hàng online thì đã muộn. Xác suất win trên online tại thời điểm hiện tại rất mong manh.

*

Dù vậy, sau khi hoàn hồn nhìn lại mình chợt nhận ra một số doanh nghiệp vẫn xoay ra dòng tiền, thậm chí ung dung giữa khủng hoảng và bình tĩnh chiến.

Tuy chỉ ở góc độ quan sát & có phần chủ quan, nhưng mình tìm thấy một số điểm sáng của thị trường như sau:

1. Thị trường online co cụm lại nhưng còn đó. Hành vi mua hàng theo cảm xúc nhất thời (ví dụ hàng độc lạ, giảm giá khuyến mãi,...) bị sụt giảm mạnh. Nhưng hành vi mua hàng theo thói quen, theo thương hiệu yêu thích, theo niềm tin vào uy tín người bán hàng thì vẫn còn nhiều.

Tức là làm digital marketing kiểu vẽ vời, thổi phồng thì dễ gãy - nhưng những người bán hàng chân chính biết chăm, biết giữ khách hàng & thương hiệu của mình cẩn thận thì khách hàng không mất đi đâu.

2. Để win trên digital kể từ giờ không phải chỉ là mạnh về ads nữa. Vì khách hàng ngày càng khó tính (kết hợp với khủng hoảng kinh tế thì trở nên cẩn thận hơn), ngày càng giảm tin tưởng vào những lợi ích chớp nhoáng.

Chỉ có thể là cùng lúc phải mạnh về ads, branding chỉn chu, sản phẩm cũng phải có chất lượng cạnh tranh thật sự, sale phải khéo, chăm sóc khách tốt, dịch vụ và trải nghiệm khách hàng cũng phải tốt hơn.

Đặc biệt là online cũng phải kết hợp offline song hành để tạo đủ niềm tin cho khách hàng. Tất tần tật mọi thứ cùng lúc chứ không phải là chỉ 1 winning point (lợi thế cạnh tranh) như trước nữa.

3. Với những tập đoàn, thương hiệu lớn, hoặc cá nhân kinh doanh trường vốn, lão luyện thì giai đoạn này không nhất thiết phải có lời. Một số cá mập có chia sẻ với mình đây là giai đoạn để đớp thị phần và đè đối thủ.

Tức là có thể nhìn quanh ai cũng lỗ, nhưng kẻ nào bán được nhiều hơn (chiếm thị phần doanh số) hoặc hiển thị quảng cáo nhiều hơn (chiếm thị phần thương hiệu) - thì càng chiếm được nhiều phần bánh để dành cho tương lai, chờ cơn bão qua đi thì rũ bùn đứng dậy sáng lòa, trở thành bá chủ.

Do đó người đầu tư vẫn lăm le xuống tiền đầu tư, người chạy digital marketing vẫn còn nhiều đất diễn. Xung quanh ngọa hổ tàng long, quan trọng là có tầm nhìn để hiểu.

4. Với cá nhân nhỏ lẻ, người làm thuê, chuyên gia,... mình nghĩ giai đoạn khủng hoảng cũng là cơ hội vàng để quan sát, học và tìm kiếm cơ hội.

Mấy sách self-help tài chính hay có kiểu khủng hoảng đi mua tài sản rẻ, mua cổ, mua doanh nghiệp thua lỗ bla bla nhưng tiền đâu để mua và khi nào mua thì không nói :v

Tuy nhiên sự thật là ở thời điểm thiếu vốn cạn tiền, thì văn hóa doanh nghiệp hay đạo đức, năng lực của mỗi người bộc lộ rõ nét hơn. Đây là lúc tốt nhất để nhìn rõ lòng người, để chọn người lãnh đạo, người sếp & con thuyền phù hợp.

Thay đổi cách làm, nâng cấp bản thân, chịu khó đồng hành xây dựng những doanh nghiệp còn tồn tại là một trong những cách đầu tư ngon nhất. Lúc mọi thứ tốt đẹp thì đâu ra cơ hội để được trọng dụng?

5. Nói chung mình vẫn sốc, vì mọi thứ trong đó có digital marketing thay đổi quá nhanh, các bạn trẻ ngày càng chịu cày và quá giỏi. Và mình tin là chỉ vài năm thôi, với sự bùng nổ trở lại của công nghệ thì mọi thứ còn nhanh hơn.

Mình cũng lười nhưng nếu phải chọn giữa stress vì nghèo & bị đào thải với stress vì học những thứ mới lạ thì thôi ráng tiếp tục học. :v

(Hình: minh họa bán hàng online giai đoạn 2019 - 2022, cái gì cũng làm, hàng đi từng xe tải, hàng về ngập kho rồi sau đó cái gì cũng lỗ. Nhưng cuối cùng lại chủ yếu là được học & nâng cấp bản thân lên).

Nguồn: fb Trương Ngọc Hải

Pin It

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *