Cách chia % cổ phần giữa các co-founders

Gần đây tôi có ý tưởng cho 1 tech start-up mới nên rủ một vài thân hữu tham gia. Sau khi nghe ý tưởng và cảm thấy có hứng thú, câu hỏi tiếp theo của họ là cách chia phần trăm giữa các đồng sáng lập như thế nào để cùng nhau bắt tay vào làm. Lục lọi khá kỹ trên Internet nhưng tôi không tìm ra một cách làm nào đơn giản dễ hiểu để áp dụng. Vì vậy tôi đã tổng hợp nhiều cách làm thành một phương pháp tương đối dễ dùng. Và sau khi tính toán ra % và chia sẻ với các đồng sáng lập tương lai, họ đều đồng tình vì cách tính khá hợp lý cho nên tôi xin chia sẻ ở đây để ai thấy khả dụng thì tham khảo.

***Giả dụ đề bài cụ thể như sau:***

* Start-up X có 3 đồng sáng lập:
- A: có ý tưởng về sản phẩm của start-up, có trình độ kỹ thuật tương đối và có ít vốn.
- B: rất giỏi về công nghệ và có thể dựng team làm ra phần mềm lõi cho start-up.
- C: có quan hệ trong ngành liên quan và sẵn sàng bỏ vốn tham gia.
Trong đó B sẽ bỏ công việc hiện thời về làm full time cho start-up X, A và C chỉ tham gia vào start-up ngoài thời gian chính của họ.

* Chi phí: dự tính thời gian để làm phần mềm ở dạng MVP (minimum viable product) là 12 tháng với tổng chi phí là 1 tỉ đồng bao gồm 800 triệu tiền lương cho đội phần mềm, 100 triệu tiền máy móc thiết bị và 100 triệu chi phí văn phòng. Tuy nhiên co-founder B sẽ chỉ nhận lương tối thiểu khi về làm full time cho start-up X với mức giảm lương mỗi tháng là 30 triệu, vị chi 12 tháng là 360 triệu. Vì vậy số tiền thực chi cho làm phần mềm chỉ là 640 triệu ( = 1 tỉ - 360 triệu). Số tiền này sẽ do A và C mỗi người chi ra 320 triệu để chi trả.
* Đề bài: chia % cho các co-founder A, B và C như thế nào cho hợp lý?

Phương pháp tôi đề xuất có 5 bước:
* Bước 1: tính tổng tài sản tương lai của start-up X sau 12 tháng (khi đã xong phần mềm).
- Phần mềm: chi phí trực tiếp để làm phần mềm là 800 triệu, giá trị thực của phần mềm có thể tính đơn giản là 3 lần chi phí nên phần mềm làm ra có thể được định giá là 3*800 triệu = 2.4 tỉ. Đây nôm na là chi phí mà start-up X sẽ phải trả nếu giả sử phải thuê 1 công ty phát triển software làm ra phần mềm này.
- Thiết bị: 100 triệu
=> Tổng tài sản: 2.4 tỉ + 100 triệu = 2.5 tỉ.

* Bước 2: định giá start-up X sau 12 tháng.
Cách đơn giản nhất là dùng giá trên tài sản (Price to book ratio) hay dân dã gọi là mấy chấm. Đối với một tech start-up thì khi chưa ra được thị trường mà chỉ mới có phần mềm thì 2 chấm hay 2.0 là con số có thể là phù hợp để định giá start-up X. Có nghĩa là start-up X được định giá là 2.5 tỉ * 2.0 = 5 tỉ.

* Bước 3: đánh giá đóng góp tài chính.
Trong start-up X có 2 co-founder B và C có đóng góp tài chính, cụ thể B đóng góp 360 triệu thông qua việc giảm lương, C đóng góp trực tiếp 640 triệu để trang trải chi phí. Start-up X có nghĩa vụ trả lại tiền cho B và C. Việc góp vốn vào start-up là rủi ro cao vì nếu start-up không thành công thì không thu hồi được tiền, vì vậy nên dùng mức thấp nhất của lãi suất vay tín chấp là 30% để tính. Như vậy, sau 12 tháng, start-up X có nghĩa vụ phải trả cho A, B và C là 416 triệu, 468 triệu và 416 triệu tương đương 416 triệu / 5 tỉ = 8.3%, 468 triệu / 5 tỉ = 9.4% và 416 triệu / 5 tỉ = 8.3% cổ phần. Như vậy còn lại là 100 - (8.3 + 9.4 + 8.3) = 74% sẽ chia theo mức độ đóng góp theo công sức của các cổ đông. Ghi chú: để tính đúng hơn về mặt lãi suất thì có thể tính theo từng tháng khi tiền thực sự bỏ vào, nhưng ở trên tôi đơn giản hoá để dễ hiểu hơn.

* Bước 4: đánh giá mức độ đóng góp của co-founders theo 5 tiêu chí của phương pháp Berkus trên thang điểm từ 0 đến 10.
- Ý tưởng: tiêu chí này đánh giá mức độ đóng góp về mặt ý tưởng cho start-up. Vì A có ý tưởng và C là người trong ngành nên A và C sẽ có điểm cao.
- Prototype (MVP): tiêu chí này đánh giá mức độ đóng góp xây dựng phần mềm nên B sẽ có điểm cao nhất, A cũng sẽ có điểm vì có trình độ kỹ thuật còn C sẽ không có điểm nào.
- Quản lý chất lượng: tiêu chí này đặt nặng về việc xây dựng ra các quy trình và công cụ quản trị khi tung sản phẩm ra thị trường, vì vậy A sẽ có điểm cao nhất, tiếp đến là C, còn B chỉ đóng góp về mặt phần mềm nên sẽ ít điểm hơn.
- Quan hệ chiến lược: tiêu chí này đánh giá mức độ đóng góp ở mặt quan hệ với đối tác trọng yếu, cơ quan quản lý và nhà đầu tư tương lai. Vì vậy C là dân trong ngành sẽ có điểm cao nhất, tiếp theo là A vì A sẽ có trách nhiệm thuyết trình (pitching) về start-up. Còn B chỉ thuần là kỹ thuật sẽ có điểm ít hơn hoặc không có điểm nào.
- Triển khai: tiêu chí này đánh giá mức độ đóng góp khi tung sản phẩm ra thị trường. Vì C là dân trong ngành và A là người hiểu rõ sản phẩm nhất nên C và A sẽ có điểm cao còn B sẽ ít hơn.
Mỗi tiêu chí nêu trên cần có một trọng số trên thang điểm 5, giả dụ: ý tưởng = 3, MVP = 4, quản lý chất lượng = 1, quan hệ chiến lược = 1 và triển khai = 5. Khi lấy số điểm của mỗi co-founder ở từng tiêu chí nhân với trọng số của mỗi tiêu chí thì sẽ có được tổng điểm theo trọng số của mỗi co-founder. Số điểm của mỗi co-founder chi cho tổng điểm sẽ là % đóng góp theo công sức. Số phần trăm này sẽ là căn cứ để chia 74% công sức tính ở bước 3.

* Bước 5: phần trăm cổ phần của mỗi cổ đông là tổng % đóng góp tài chính tính ở bước 3 và % đóng góp công sức tính ở bước 4. Các bạn có thể xem hình minh hoạ để hiểu rõ hơn.

Tôi không phải là dân tài chính mà là dân kỹ thuật nên phương pháp trên đây tôi nghĩ là phương pháp đơn giản dễ hiểu dễ áp dụng cho tech start-up khi khởi động. Hy vọng sẽ hữu ích cho các bạn.

**PS:**
- Các bạn có thể tham khảo bảng tính ở đây https://goo.gl/eQzEWG

Lê Việt Tuấn - Co-founder của traveltech Aleka.vn | fb/altune
Bài này đăng trong hội kín QTvKN

Pin It

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *