Một lần tôi mang mô hình CEO và QTNS của tôi đến một công ty để chia sẻ cho các anh em Quản lý và CEO. Đây là một công ty về Công nghệ thông tin. Tôi nói trên bảng và mọi người bình, chia sẻ tình huống ở dưới. Tình huống công ty cũng thật đặc biệt: 10 năm thành lập với thị trường ngách và năm nay tỷ lệ turnover 50%. Cơn bão tràn qua và nó đang tàn phá các thành quả nhiều năm qua. Công ty cần thay đổi. Hẳn mọi người còn nhớ bài: “CEO nên lưu ý về chỉ số tỷ lệ thôi việc” ( https://goo.gl/epJyuI ). Trong bài tôi đã đưa ra nhiều giả định khi công ty có chỉ số Turnover này quá cao. Ví dụ:
- Doanh nghiệp không xác định được chính xác nguyên nhân thực sự tại sao mà các cá nhân quan trọng nghỉ việc (thường bằng cách tiến hành phỏng vấn thôi việc) nên không ngăn chặn được các trường hợp nghỉ việc khác về sau.
- Người nghỉ việc là Nhân viên có tiềm năng lớn ra đi vì không có cơ hội phát triển.
…
Càng nghe, rồi hỏi mọi người tôi càng thấy mọi người nên đọc bài trên. Khi tôi hỏi xem mọi người có phỏng vấn lại khi mọi người nghỉ không, anh CEO nói rằng không còn Quản lý nói có. Hỏi quản lý tại sao thì thấy đó là do: “Công ty phát triển theo thị trường ngách thì nhân viên về sau sẽ không thể sang lĩnh vực khác được và chỉ có thể ở công ty”. Có một lý do khác, anh CEO nói thêm. Đấy chính là do nhân viên của công ty đi học lớp làm giàu của một trong khá nhiều người nổi tiếng trong Group QTvKN này. Có ít nhất 2 người sau khi đi học xong thì về xin nghỉ.
Sau khi chia sẻ xong, anh CEO hỏi: hệ thống của em hay và khoa học đấy. Nhưng vẫn rắc rối quá. Có cái nào đơn giản hơn không? Và cái nào là quan trọng nhất. Tôi thì thấy hệ thống tôi chia sẻ (CEO nên làm gì về Quản trị Nhân sự - https://goo.gl/qQn4Dq ) và các kỹ năng CEO nên biết về QTNS (CEO nên biết gì về Quản trị Nhân sự - 2 ? - https://goo.gl/Ylc3xy ) không có gì rắc rổi cả (hình 1). Mỗi công cụ, mỗi kỹ năng đều để giải quyết một bài toán cụ thể. Có thì sẽ không đau đầu. Vậy thôi. Tôi đã cố gắng tổng hợp và tinh giảm đi rất nhiều rồi. Dù sao câu hỏi của anh vẫn vẩn vơ trong đầu tôi.
Rồi sáng thứ 7 dễ chịu tuần vừa qua đến. Tôi có cuộc gặp café nhanh với người anh – người thầy – người sếp cũ của tôi. Anh nghe tôi chia sẻ và anh có nhận xét. Hệ thống tôi đang đưa ra cho mọi người là cũ. Anh nói: “Cái gì đã thành sách tức là cũ so với thực tế 5 năm. Tất nhiên so với công ty không có gì thì hệ thống này sẽ giúp nhiều. Nhưng so với hiện tại và tương lai thì thế nào?”. Thực muốn nghe anh chia sẻ nữa nhưng phải họp nên chúng tôi chia tay. Nhận xét của anh cùng câu hỏi của anh CEO ở phần đầu giờ lại cuộn với nhau. Và giờ tôi ngồi đây viết vài dòng để giải tỏa.
Tương lai sẽ thuộc vào những người thế hệ Z và cuối thế hệ Y. Thế hệ Y chỉ những người sinh ra từ năm 1981 đến năm 1995. Đây là thế hệ tiếp nối thế hệ X - những người sinh ra từ năm 1965 đến năm 1980. Thế hệ Z, bao gồm những người sinh ra từ giữa thập niên 1990 cho đến đầu những năm 2000, và lớn lên trong thời đại chín muồi của công nghệ. Cùng với đó, chúng ta đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với IoT (kết nối vạn vật) và AI (trí tuệ nhân tạo). Song song là phong trào khởi nghiệp như một làn sóng lớn nâng toàn bộ thế hệ Y, Z lên và ném thẳng vào tương lai. Group QTvKN của chúng ta cũng chính là một nhân tố trong làn sóng Startup đó.
Vậy đâu là cái cốt lõi, cái cần phải có để công ty có thể phát triển như vũ bão với thế hệ tương lai? Với tôi, công ty chỉ cần có 3 công cụ này:
1. Thương hiệu tuyển dụng mạnh
2. BSC và KPI
3. Chính sách chia sẻ giá trị / lợi nhuận – cho phép làm chủ (startup)
Đây chính là chiếc chìa khóa thần 3 cạnh mang tên QTNS. Xin mời cả nhà cùng nhìn (hình 2) để thấy bức tranh mới của tôi. Mọi thứ đều xóa bị xóa nhòa đi và chỉ còn rõ ràng 3 ô màu đỏ. Với 3 điều trên thì ngay cả việc CEO cần có kỹ năng QTNS giờ cũng không còn là thứ phải có nữa.
Dĩ nhiên, với bức tranh này, tôi không hề phủ nhận rằng công ty nên có những công cụ khác, CEO cần phải có kỹ năng QTNS. Chỉ là nó không cần quá nhiều và quá chi tiết thôi. Một công ty, nhất là công ty Startup hãy có 3 yếu tố trên để vững bước vào tương lai.
À, còn một thứ nữa trong này mà chúng ta cần chuẩn bị đó là: Môi trường làm việc ảo (Iot). : ) Thứ này thế hệ Z và Y cũng cần.
Bài viết này đáng ra được chia sẻ từ tuần trước, nhưng quả thực bận quá nên giờ mới mang đi chia sẻ cùng anh chị em và cả nhà. Chúc mọi người một tuần làm việc vui vẻ và có nhiều ý tưởng thúc đẩy công ty hơn.
Nguyễn Hùng Cường | Kinhcan24
HRM Blogger / HRM Consultant / KM for HrShare Community at Blognhansu.net.vn
Mục lục:
- Seri CEO và QTNS của tôi: https://goo.gl/Afmd6V
- Các bài viết về QTNS của Group QTvKN: https://goo.gl/2NBreq
#quantrinhansu #blognhansu #nhansu #CEOvaQTNS