Doanh nghiệp của anh chị có đang bị bệnh ?

Vậy là thứ 6 cuối tuần nữa cũng đến. Xin chúc cả nhà một ngày thảnh thơi. Dạo này thấy bài viết của mình ít được động viên nên bản thân cũng xấu hổ. Đúng là “văn mình, vợ người”, những gì tôi viết ra đều cố gắng đưa đủ cả tình huống đến các thuật ngữ, sắp xếp chúng một cách logic và dễ hiểu nhất, tôi thấy hay và tâm huyết thế nhưng rõ là không đúng thứ mọi người cần. Ví dụ bài này: Sau rốt, CEO nên có gì trong QTNS ?. Trong bài tôi dự đoán tương lai, đưa ra những cái mà công ty Khởi nghiệp và các công ty trong tương lai nên có. Những tưởng tương tác cao ai ngờ … Tin tôi đi, rồi mọi người đi nghe các Startup thành công chia sẻ cũng chỉ gói gọn trong bài kia thôi.

Hi, vài giây than vãn đủ rồi. Giờ là chúng ta vào việc chính. Khi viết bài này, tôi nhớ đến một anh bạn trên FB và DN của anh với suy nghĩ : DN như là một cá thể sống. Và nếu là cá thể sống thì có thể sẽ có bệnh. Nếu DN có bênh thì họ gọi là Doanh bệnh. Với suy nghĩ đó, anh với các cộng sự nghĩ, tổ chức và truyền thông ra ngoài rất nhiều sự kiện như : Tiêm chủng mở rộng, truyền máu sạch … Với tôi đó là hành động tốt khi cố gắng giúp cộng đồng phát triển. Và tôi cũng biết có một người có vẻ có niềm tin giống anh. Đấy là Denision.

Denision đã nghiên cứu ra một bộ câu hỏi để đánh giá được sức khỏe văn hóa của Doanh nghiệp. Sức khỏe này được cấu thành bởi 4 yếu tố :
- Sứ mệnh (Tầm nhìn, Định hướng chiến lược, Hệ thống mục tiêu)
- Tính nhất quán (Giá trị cốt lõi, Sự đồng thuận, Hợp tác và hội nhập)
- Sự tham chính (Phân quyền, Định hướng làm việc nhóm, Phát triển năng lực)
- Khả năng thích ứng (Đổi mới, Định hướng khách hàng, Tổ chức học tập)
Mỗi yếu tố này thể hiện ra bởi 3 yếu tố con. (Hình 1) Kết hợp của các yếu tố này tạo ra tính cách của DN :

+ Tính Linh hoạt : Sự tham chính vs khả năng thích ứng cho thấy sự thay đổi và tính linh hoạt
+ Tính Ổn định : Sứ mệnh vs tính nhất quán thể hiện khả năng giữ vững tính ổn định trong thời gian dài.
+ Tính Hướng ngoại: Khả năng thích ứng vs sứ mệnh cho thấy khả năng thích ứng với môi trường bên ngoài của tổ chức
+ Tính Hướng nội: Sự tham chính vs tính nhất quán cho biết sự phối hợp trong nội bộ của hệ thống, cấu trúc và quy trình.

Bên cạnh đó: 4 yếu tố này còn chia thành 2 cặp đối lập:
+ Tính nhất quán với Khả năng thích ứng : các công ty tập trung vào thị trường sẽ gặp phải các vấn đề với sự phối hợp trong nội bộ nhưng những công ty có mức độ hoà nhập cao sẽ rơi vào tình trạng bị kiểm soát quá cao độ và thiếu đi tính linh hoạt cần thiết để tự điều chỉnh phù hợp với môi trường
+ Sứ mệnh với Sự tham chính: những công ty tập trung quá nhiều vào các nhiệm vụ chung của doanh nghiệp thường sẽ lơ là sự trao quyền cho nhân viên, nhưng, ngược lại, những công ty có sự tham gia quá nhiệt tình của nhân viên sẽ gặp phải khó khăn trong việc đưa ra các đường hướng chiến lược.

Cùng với đó tính cách DN cũng đối lập: Hướng nội - Hướng ngoại; Linh hoạt - Ổn định. Nếu doanh nghiệp tập trung vào Hướng ngoại thì thị phần tăng và tăng doanh số bán hàng.
Nếu DN tập trung vào Nội bộ thì lợi tức đầu tư và mức độ hài lòng của nhân viên tăng
Nếu DN tập trung vào tính linh hoạt thì sự sáng tạo những sản phẩm và dịch vụ mới tăng
Nếu DN tập trung vào tính ổn định thì thành quả tài chính của công ty như mức lời trên tài sản hiện có, lợi tức đầu từ và tiền lãi tăng.

Hình 1 chính là mô hình Denision. Chúng ta có cách nào để đánh giá được không? Xin được gửi cả nhà 12 câu hỏi để đánh giá DN và vẽ lên sức khỏe của DN mình. (Hình 2).

Câu 1: Tôi hiểu rất rõ ràng về định hướng chiến lược của công ty
Câu 2: Chúng tôi liên tục theo dõi tiến trình của chúng tôi theo các mục tiêu đã nêu của công ty.
Câu 3: Tầm nhìn của công ty tạo ra sự phấn khích và động lực cho nhân viên
Câu 4: Khi bất đồng xảy ra, chúng tôi cùng cố gắng hết sức để đạt đến những giải pháp “cùng thắng”
Câu 5: Việc điều phối các dự án thông qua các phòng ban khác nhau của công ty chúng tôi là tương đối dễ dàng.
Câu 6 : Việc không quan tâm đến các giá trị cốt lõi của công ty sẽ làm cho chúng tôi gặp rắc rối.
Câu 7: Mọi người đều tin tưởng là mình sẽ có những tác động tích cực.
Câu 8 : Công việc được thiết kế sao cho mọi người đều thấy được mối liên hệ giữa công việc của họ đến mục tiêu của tổ chức.
Câu 9: Khả năng của mọi người là không ngừng được nâng cao.
Câu 10: Những cách làm mới và mang tích chất tiến bộ luôn luôn được thông qua
Câu 11: Khách hàng luôn ảnh hưởng đến các quyết định của chúng tôi
Câu 12: Chúng tôi luôn xem thất bại là cơ hội để học hỏi và tiến bộ

Để đưa ra được các hướng điều trị, chúng ta sẽ tiến hành chẩn đoán theo các bước sau:
Bước 1: Khảo sát thực trạng văn hóa doanh nghiệp với bộ câu hỏi (hình 2). Gửi cho toàn bộ nhân viên.
Bước 2: Tổng hợp điểm cho từng cấu phần của các yếu tố. Vẽ biểu đồ để đánh giá sức khỏe doanh nghiệp (văn hóa) (Hình 1)
Bước 3: Ra kết luận và đề nghị giải pháp: Như ở phần diễn giải ở trên. Nói chung các chỉ số càng lớn càng tốt. Chỗ nào còn ít điểm thì nên tập trung khắc phục.

Đưa ra 12 câu hỏi cho mọi người là tự nhiên thấy bài dài hẳn. Không nên nói dài nói dai nói dại vì thế tôi xin phép dừng bút ở đây. Ở dưới comment tôi sẽ để thêm 1 số câu hỏi khác để mọi người có thể thay đổi cho hợp.

Nguyễn Hùng Cường | Kinhcan24
HRM Blogger / HRM Consultant / KM for HrShare Community at Blognhansu.net.vn

Pin It

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *