Anh cần làm gì để giữ em ở lại? – chuyện CEO và nhân viên cũ

Chỉ còn chưa đầy 2h đồng hồ nữa thôi, năm (tây) mới sẽ bắt đầu. Năm nay có lẽ khá đặc biệt khi thời gian này, miền Bắc ngập tràn cái lạnh. Lạnh không hiểu ở đâu mà lạnh ghê gớm. Lạnh như cái khoảnh khắc chia tay giữa CEO – công ty với những anh em gắn bó. Sau khoảnh khắc ấy, kẻ ở lại người ra đi. Có thể họ sẽ không bao giờ gặp nhau nữa.

Năm vừa rồi, tôi được nhìn và nghe thấy nhiều cảnh chia tay như vậy. Có người vừa mới hôm trước còn ngồi đây, tiếng cười, tiếng nói lanh lảnh. Vậy mà hôm sau đã vắng bóng. Họ ra đi, để lại một khoảng trống trong lòng công ty.

Trong một công ty sản xuất nọ, tôi có may mắn được nghe kể về một cuộc chia tay như ngôn tình giữa CEO và nhân viên. Câu nhân viên kể: “Em thực ra làm với công ty từ khi mới thành lập. Sau đó nghỉ rồi quay lại. Sở dĩ em trở về làm là vì lúc em nghỉ, anh CEO có gọi em vào trao đổi. Lời cuối khi kết thúc, anh CEO bảo: “Thôi em cứ ra ngoài kia! Nếu gặp giông bão thì cứ quay về với anh!”. Em nghỉ rồi mà anh ý vẫn nhắn tin. Thỉnh thoảng em quay lại công ty chơi mà cảm giác như chưa nghỉ. Thế là em xin quay về”. Câu chuyện quả thi vị làm ai cũng bật cười. Nhưng dường như đấy là 1 phần sự thật vì cậu nhân viên và cả CEO đang sờ sờ trước mắt tôi.

Ở một câu chuyện khác, cũng ngôn tình không kém, nhưng đó lại là một chuyện buồn chứ không có hậu như ở trên. Ở một công ty thiết kế non trẻ, sau khi trải qua giai đoạn trăng mật mang tên “Startup”, ai nấy trở lại với thực tế. Mọi thứ trở nên phũ phàng khi công ty bắt đầu có chút của ăn của để. Công ty có những tiếng xì xầm so bì. Lâu dần tự nhiên đến công ty, mọi người không còn vui như trước nữa. Hiệu quả công việc không còn được như kỳ vọng, CEO mới quyết định chia tay nhân viên. Lời cuối cùng của CEO cũng là lời cay nghiệt: “Em chả đóng góp được cho công ty cái gì mà cứ đòi hỏi”. Để rồi, từ đó về sau 2 bên như 2 đường thẳng song song.

Là CEO, anh chị em sẽ là người:
- 1. Có mong muốn người ra đi sẽ quay trở về
- Hay 2. Không bao giờ chấp nhận điều đó, đã đi là đi luôn ?

Tôi gặp đủ cả. Có CEO thì quan điểm 1 và có người thì quan điểm 2. Nếu đọc được bài này, anh chị đang có quan điểm 2, tôi mong chúng ta chuyển sang 1. Trong bài : “Nghệ thuật cho nghỉ việc ... dành cho CEO” (https://goo.gl/T14QAM) , tôi có chia sẻ : “Chúng ta nên xuất phát từ cái tâm khi nghĩ đến việc không muốn hợp tác với những người dưới cấp. Nhân viên nghỉ việc không có nghĩa là hết duyên. Có thể giai đoạn này họ chưa làm được việc, có thể chúng ta chưa dùng được họ nhưng không có nghĩa tương lai họ không làm được”. Đây chính là lý do tôi luôn mong CEO duy trì quan điểm 1: Có mong muốn người ra đi sẽ quay trở về.

Quay trở lại với khoảnh khắc chia tay ở trên, trong Quản trị Nhân sự có một thuật ngữ gắn liền với nó là: exit interview – phỏng vấn nghỉ việc. Khi công ty có ai đó nghỉ việc chúng ta nên có một buổi trao đổi với họ. Nếu được chúng ta ra một chỗ nào đó riêng tư như quán café chả hạn. Phỏng vấn nghỉ việc sẽ giúp chúng ta giữ được cái duyên gặp lại trong tương lai về sau. Không những vậy, nó còn có thể cho chúng ta – công ty/ CEO – thấy được những mặt chưa tốt của mình cần sửa.

Liệu các CEO đã có exit interview chưa? Xin tặng anh chị em một số câu hỏi và mẫu:
1. Lý do chính để bạn quyết định nghỉ việc tại Công ty là gì?
2. Điều gì nổi bật ở công việc mới làm cho bạn quyết định chuyển việc?
3. Bạn có ý định nghỉ việc tại Công ty từ thời gian nào?
4. Điều gì ở Công ty làm cho bạn ấn tượng nhiều nhất?
5. Điều gì ở Công ty làm cho bạn không hài lòng nhất?
6. Bạn có ý kiến gì đóng góp cho Công ty trước khi nghỉ việc không?

Có exit interview là tốt và sử dụng mẫu trên để buổi trao đổi đi đúng hướng còn tốt hơn. Nhưng tôi tin nếu làm như thế, các buổi phỏng vấn nghỉ việc sẽ không thể thành công. Nhân viên khi đã có ý định nghỉ thì rất khó có thể lấy được những thông tin thật từ họ. Những người hợp tác thì may ra còn có thể vớt vát chút thông tin. Còn nếu gặp trường hợp “cơm chẳng lành, cảnh chẳng ngọt” thì quả thực khó.

Việc tìm ra được thông tin thật trong trao đổi khi nhân viên khỉ việc nói riêng và trong Quản trị Nhân sự nói chung là nghệ thuật. Vậy cách nào để nhân viên sắp cũ của chúng ta nói ra điều làm họ ra đi? Cách nào để họ giữ lại chút cảm tình trong tim?

CEO nên nói câu này: “Anh cần làm gì để giữ em ở lại?”

Hãy thử nói đi, mọi người sẽ thấy sự thần kì của nó. Đây chính là chiếc chìa khóa mở ra mọi sự thực chất chứa sâu thẳm của những người ra đi.

Chúc cả nhà năm mới đầy niềm vui!

Nguyễn Hùng Cường | Kinhcan24
HRM Blogger / HRM Consultant at Blognhansu.net.vn

Pin It

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *